Truy cập nội dung luôn

Chi tiết tin

Kỷ niệm 76 năm Chiến thắng Giồng Dứa (25/4/1947-25/4/2023)
10/03/2023

Trận đánh Giồng Dứa diễn ra tại ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành, đoạn km 1974 + 250 Quốc lộ 1A ngày nay. Giồng Dứa là một bộ phận của đất Ba Giồng nổi tiếng ở huyện Châu Thảnh tỉnh Tiền Giang gồm giồng Cánh én, giồng Kỳ lân và giồng Qua qua. Giồng chạy theo hướng Bắc - Nam, xuất phát từ xã Tam Hiệp chạy đến cặp quốc lộ 1A, thuộc ấp Đông, xã Long Định. Do có nhiều cây dứa gai mọc hoang um tùm nên Nhân dân địa phương gọi là Giồng Dứa.

Tại khu vực này, ngày 25/4/1947, dưới tài trí của đồng chí Trần Văn Trà, Khu Bộ trưởng Khu 8, đã trực tiếp chỉ huy Đại đội xung phong Khu 8 cùng Chi đội 17 phối hợp cùng quân dân du kích Mỹ Tho đã đánh tiêu diệt đoàn xe Công- Voa và đoàn xe của chính phủ bù nhìn Nam Kỳ tự trị. Kết quả, đã phá hủy 14 xe, tiêu diệt gần 80 tên, trong đó có tên Quan năm chỉ huy tình báo Pháp, bắt sống 07 tên khác, trong đó có tên đốc phủ Bích và Trương Vĩnh Khánh, Bộ trưởng của chính phủ Nam Kỳ tự trị.

Có thể nói, Chiến thắng Giồng Dứa đã đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Đây là trận đánh tiêu biểu, táo bạo, quyết đoán, được nhân rộng ở nước ta trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến; thúc đẩy khí thế đấu tranh cách mạng, tạo được sự tin tưởng, phấn khởi trong Nhân dân cả nước; đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang nước ta cả về trình độ, nghệ thuật tác chiến, chỉ huy, sử dụng lực lượng, bố trí thế trận của cuộc chiến tranh Nhân dân. Đồng thời, khẳng định tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí của cán bộ, chiến sĩ địa phương.

Ghi dấu trận đánh oai hùng này, năm 1985, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang xây dựng tại đây một tượng đài chiến thắng gồm: tượng tròn và phù điêu mô tả trận đánh do hai nhà điêu khắc Đỗ Như Cẩn và Phạm Mười tạo mẫu, Thượng tướng Trần Văn Trà làm cố vấn. Tượng đài mô tả lại cảnh chiến đấu đốt xe địch của quân ta qua hình ảnh 3 nhân vật: nữ dân quân, vệ quốc quân và một nông dân thổi tù và. Năm 2000, do nhu cầu mở rộng quốc lộ 1A, tượng đài đã được quy hoạch, tôn tạo lại và di dời vào trong 40m, xây dựng trong một khuôn viên với diện tích 8.826 m2 gồm các hạng mục công trình như: công viên, vườn hoa, cây cảnh, hồ cảnh bao bọc chung quanh. Tượng đài và phù điêu được đắp bằng chất liệu bê tông cốt thép cao 7 mét, dài 24 mét.

Di tích lịch sử Chiến thắng Giồng Dứa được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng công nhận vào năm 2003. Hiện tại, theo phân cấp quản lý của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, Khu di tích lịch sử Chiến thắng Giồng Dứa do Trường Quân sự địa phương thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang quản lý, chăm sóc và bảo vệ./.

Quốc An

Tin liên quan
Thư viện Tiền Giang giới thiệu sách "Từ giận dữ đến bình an"    17/03/2023
Thư viện tỉnh Tiền Giang giới thiệu sách "Bí mật một tâm hồn cuốn hút"    17/03/2023
Kỷ niệm 153 năm ngày sinh của đồng chí Vladimir Ilych Lenin (22/4/1870 – 22/4/2023) - Lãnh tụ vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới    10/03/2023
Chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4 – 30/4/1975) giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước    10/03/2023
Kỷ niệm 76 năm Chiến thắng Giồng Dứa (25/4/1947-25/4/2023)    10/03/2023
Hội thi tuyên truyền lưu động “Biển và Hải đảo Việt Nam” năm 2023    10/03/2023
Những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta    10/03/2023
Thư viện Tiền Giang giới thiệu sách "Lửa trời đuôi cáo"    01/03/2023
Thư viện Tiền Giang giới thiệu sách "Xé vài trang thanh xuân, đổi lấy một bản thân nỗ lực"    22/02/2023
Thư viện Tiền Giang giới thiệu sách "Hạt giống tâm hồn cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống"    22/02/2023

Chi tiết tin

Chi tiết tin tạm thời không có.

Liên kết Liên kết